Biểu đồ trên cho thấy độ dày khác nhau của nội mạc tử cung trong suốt một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, và được gọi là biểu đồ hình lá dương xỉ. Hàng tháng, dưới tác dụng của hormon sinh dục nữ, nội mạc tử cung phát triển dày lên để sẵn sàng nhận trứng thụ tinh làm tổ. Khi sự thụ tinh không diễn ra, nội mạc tử cung sẽ tự bong ra và gây chảy máu hay còn gọi là hành kinh và máu chảy ra được gọi là máu kinh nguyệt. Bình thường, mỗi tháng thường xuất hiện hiện tượng hành kinh một lần nên người ta gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt được tính bằng khoảng thời gian giữa ngày chảy máu đầu tiên của chu kì kinh nguyệt này với ngày chảy máu đầu tiên của chu kỳ kế tiếp.
Vì sao lại đau bụng kinh khi phụ nữ bước vào giai đoạn kinh nguyệt?
Câu trả lời là prostaglandin. Đây là các tín hiệu hóa học của cơ quan phụ nữ, nó có nhiệm vụ tác động đến tử cung để tử cung co lại, tống hết lớp nội mạc tử cung ra ngoài. Vì tử cung ở phụ nữ trưởng thành tự động hàng tháng đều làm dày lớp nội mạc tử cung chuẩn bị ổ để đón phôi thai. Prostaglandin bên cạnh vai trò đó, Prostaglandin lại kích thích thụ thể cảm giác đau, mà đặc biệt ở phía bụng dưới có nhiều thụ thể này. Kết quả, chị em phụ nữ hay bị đau bụng dưới vào ngày hành kinh. Tùy theo cơ địa từng người, số lượng thụ thể cảm giác đau và ngưỡng đau của từng người khác nhau, mà có người đau ít, đau nhiều, đau dữ dội.
Nói thêm, để bổ trợ cho việc tống lớp nội mạc tử cung ra ngoài, tử cung thường xuyên có cơn co thắt mạnh. Điều này làm cho phụ nữ cảm thấy có những cơn đau rất dữ dội trong thời gian ngắn, và diễn ra vài lần cho đến hết giai đoạn hành kinh.
Bên cạnh, phải kể đến progesterone, hormon này giảm đáng kể lúc chị em hành kinh. Progesteron là một hormon steroid được tiết ra chủ yếu từ hoàng thể ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt (sau giai đoạn rụng trứng). Progesteron giúp cho trứng làm tổ và rất cần thiết để duy trì thai sản, hạn chế co bóp cơ trơn tử cung và các cơ trơn khác. Nếu để ý, chị em giai đoạn này sẽ bị một chút vấn đề với táo bón. Đến giai đoạn hành kinh, Progesterone được báo phải giảm xuống thấp, và hầu như không ai bị táo bón trong giai đoạn này. Về vấn đề nôn mửa, có thể có chút liên quan, vì cơ trơn của ống tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Cần hết sức lưu ý, đau bụng kinh do lạc nội mạc tử cung nghĩa là lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như: bụng, bàng quang, thậm chí là buồng trứng. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến vô sinh, niêm mạc có thể nằm ở vòi trứng dẫn đến tắc vòi trứng. Ngoài ra, khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra, dễ bị viêm nhiễm và gây dính, tắc vòi trứng…Vì thế, trong trường hợp đau bụng kinh dữ dội, kéo dài không chịu được thì nên đi khám sản phụ khoa để xác định rõ nguyên nhân; khi đó mới có biện pháp điều trị hiệu quả.
ĐIỀU TRỊ ĐAU BỤNG KINH ĐƠN THUẦN
1- Làm ấm:
Với chai nước ấm hoặc túi chườm ấm, sẽ làm dịu những cơn đau. Lưu ý, đừng dùng nước nóng quá sẽ gây bỏng da. Tốt nhất, ở khoảng nhiệt độ 40 – 50 độ C.
2- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid: có thể xoa dịu nỗi đau trong khoảng 7 trong số 10 trường hợp. Như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin, và các thuốc khác) hoặc naproxen (Aleve, Anaprox)…Thuốc ngăn chặn các tác động của các hóa chất prostaglandin gây ra các cơn đau. Ở người có cơn đau dữ dội (loại trừ do lạc nội mạc tử cung), nên uống liều đầu tiên càng sớm càng tốt trước khi cơn đau bắt đầu, hoặc ngay khi bắt đầu chảy máu. Nên nhớ, thuốc có tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Thận trọng giảm ngay khi hết triệu chứng.
3- Paracetamol: đây là một loại thuốc giảm đau khác mà bạn có thể thử nếu bạn không thể uống thuốc giảm đau chống viêm không steroid. Ngoài ra, paracetamol có thể được sử dụng kết hợp với một thuốc giảm đau chống viêm không steroid nếu một thuốc không đủ. Thuốc cũng không được lạm dụng. Sử dụng 3 lần/ngày trong 3 ngày hành kinh, liều 500mg/lần.
4. Mát xa vùng bụng theo vòng tròn bằng tay, sẽ làm giảm cơn đau trong những cơn co thắt tử cung. Thư giãn cơ thể và trí óc bằng yoga, hoặc các bài thế dục giãn cơ nhẹ nhàng.
5. Nếu đang sử dụng thuốc ngừa thai, thì bạn sẽ giảm cơn đau bụng kinh gây ra. Đặc biệt, viên tránh thai tổng hợp estrogen – progestin có hiệu quả rõ rệt. Các viên tránh thai tổng hợp chứa progestin tổng hợp giúp làm mỏng nội mạc tử cung theo thời gian. Nội mạc tử cung mỏng có chứa một lượng nhỏ acid arachidonic, làm giảm dòng chảy kinh nguyệt và các cơn co tử cung, do đó làm giảm đau bụng kinh.