Gần 200 cơ sở y tế tư nhân trong cả nước sẽ phải đối mặt với việc mất bệnh nhân, bởi bị dừng hợp đồng khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế, theo một thông báo mới vừa được Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra
Việc Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào tháng 11 vừa qua gửi công văn đến các bệnh viện tư nhân và các cơ quan ban ngành liên quan thông báo về việc các cơ sở y tế tư nhân chưa được phân tuyến về mặt kỹ thuật sẽ không được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngày 1-1-2018 cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế này sẽ bị dừng hợp đồng khám chữa bệnh bằng BHYT.
Theo cách hiểu của các cơ sở y tế tư nhân, gần 200 bệnh viện tư nhân cả nước sẽ có nguy cơ mất bệnh nhân khi thông báo này được áp dụng.
Công văn nói trên của Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có nội dung về việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2018, trong đó nêu rõ cơ sở y tế tư nhân phải có thêm quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền và biên bản thống nhất áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương được áp dụng vào năm 2018.
Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, hiện nay sở y tế địa phương đều có thông báo phân tuyến và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, với công văn nêu trên của BHXH Việt Nam, theo cách hiểu của các cơ sở y tế tư nhân, từ năm 2018, nếu tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với Cơ quan BHXH, các cơ sở y tế tư nhân bắt buộc phải có quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành. Như vậy, BHXH đã làm khó các bệnh viện tư nhân.
Theo ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa Thái Bình, nếu bệnh viện không được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT từ năm 2018, không biết lượng bệnh nhân đang đăng ký khám chữa bệnh ở bệnh viện Lâm Hoa sẽ đi về đâu, bệnh viện cũng không biết khám bệnh cho ai vì hiện nay hơn 80% người dân đăng ký khám BHYT. Vậy, bệnh viện sống bằng gì? Đúng ra, khi ban hành văn bản, cơ quan BHXH Việt Nam cần phải bàn bạc với Bộ Y tế xem vấn đề đưa ra liệu có khả thi để thực hiện.
Ông Nghĩa cho hay, khi nhận được công văn của Cơ quan BHXH Việt Nam, Cơ quan BHXH tỉnh Thái Bình đã triển khai nhanh đến các cơ sở y tế tư nhân và cho biết, các bệnh viện phải có phân tuyến kỹ thuật trước ngày 20-12, Đến ngày 31-12, BHXH tỉnh sẽ ký hợp đồng khám BHYT với bệnh viện, như vậy bệnh viện sẽ không kịp thời gian và không còn cơ hội ký kết hợp đồng. Trong khi đó, việc phân tuyến các bệnh viện công lập do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, còn bệnh viện tư nhân do Bộ Y tế ban hành việc phân tuyến, nhưng cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có tiêu chí cho bệnh viện tư nhân.
Bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàng Viết Thắng (Huế) cho hay, chủ trương phân hạng bệnh viện đã có nhiều năm nay, nhưng việc phân hạng bệnh viện tư nhân hiện nay rất khó. Bộ Y tế và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân đã có tám, chín cuộc họp để đưa ra tiêu chí bệnh viện tư nhân nhưng vẫn chưa thống nhất những tiêu chí nào.
Trên thực tế, sự đóng góp của các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực y tế không chỉ dừng lại ở việc góp phần giải quyết bài toán quá tải nơi các bệnh viện công lập, mà còn giúp đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp cho người dân nhiều sự lựa chọn về khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thủ tục thanh toán BHYT
theo thesaigontimes.vn