Mô hình 3D thể hiện về bệnh lý tăng lipid máu hay cholesterol cao hay rối loạn mỡ máu. Video thể hiện chế độ ăn thông thường và phương pháp điều trị lối sống cũng như các thuốc hạ cholesterol.
Nucleus Medical tạo ra phương tiện truyền thông trực quan y tế và khoa học để nâng cao hiểu biết cho bệnh nhân trên toàn cầu
Tuy không phải bệnh cấp tính, nhưng hệ lụy từ rối loạn mỡ máu (lipid máu, tăng cholesterol trong máu) sẽ phát sinh nhiều bệnh lý khác. Do diễn biến bệnh âm thầm, nhiều người chủ quan chẳng lo. Thế nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tim mạch và cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm.
Rối loạn mỡ máu gây ra nhiều bệnh nguy hiểm nhưng ít có triệu chứng rõ ràng, không biểu hiện cụ thể, trừ khi có các biến chứng như tai biến mạch máu não, xơ vữa của mạch máu. Tăng cholesterol trong máu là biểu hiện của rối loạn mỡ máu.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân rối loạn mỡ máu về nguyên phát là do yếu tố di truyền nhưng tỷ lệ không cao. Trong khi nguyên nhân thứ phát do chế độ ăn uống, sinh hoạt, công việc căng thẳng, sử dụng thuốc và biến chứng của một số bệnh lại chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt từ sau tuổi 30, chức năng của các tế bào nói chung bị suy giảm, chuyển hóa cơ bản giảm làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Về mặt dinh dưỡng, Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho rằng, thức ăn nhiều chất béo và cholesterol cộng với việc không tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, hút thuốc cũng là những yếu tố gây mỡ máu cao.
Phòng ngừa:
Để phòng ngừa mỡ máu cao, cần phải hạ cholesterol trong máu. Điều này được thực hiện chủ yếu bởi sự thay đổi trong lối sống như thay đổi chế độ dinh dưỡng và tăng hoạt động thể chất.
Điều trị:
Những người bị máu nhiễm mỡ cần đi kiểm tra mỡ máu định kỳ 3 – 6 tháng và áp dụng chế độ ăn uống luyện tập nghiêm khắc như: kiểm soát cân nặng; ăn các chất béo có lợi, giảm thịt đỏ, hạn chế ăn nội tạng động vật; ăn nhiều rau quả, nhiều chất xơ; hạn chế ăn các đồ rán, xào nhiều dầu mỡ; không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu; không nên ăn tối quá muộn, ăn nhiều đạm…
Bên cạnh đó, cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, hoạt động thể lực đúng cách giúp cải thiện mỡ máu. Tuy nhiên thay đổi lối sống vẫn không đủ để giảm cholesterol trong máu mà cần kết hợp thêm dược phẩm. Nếu có chỉ định điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn: Sài gòn giải phóng