Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của trẻ nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hấp thu dưỡng chất, phát triển về thể chất lẫn trí tuệ của bé. Không những thế, khi bé cưng bị rối loạn tiêu hóa cũng gây ra tình trạng biếng ăn và suy dinh dưỡng. Bởi vậy, cần sớm khắc phục và xử lý triệt để chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Ba mẹ có muốn biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi? Hãy cùng Phòng Khám Bác Sĩ tìm hiểu về vấn đề này nào.
Nội dung bài viết
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn non nớt nên bất kỳ thay đổi từ bên trong hay bên ngoài cơ thể đều có thể làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Một số triệu chứng thường gặp là:
- Tiêu chảy: dấu hiệu là trẻ đi ngoài có phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày. Khi bị tiêu chảy nhiều hoặc kéo dài, trẻ dễ bị mất nước, mất chất điện giải, nếu không xử trí kịp thời, triệu chứng này rất có thể dẫn tới trẻ bị trụy mạch và tử vong
- Táo bón: trẻ đi đại tiện dưới 3 lần trong một tuần hoặc đi đại tiện khó khăn, phân cứng, khô, đau khi đi đại tiện và đôi khi xuất hiện máu
- Đi ngoài phân sống: Là tình trạng phân lúc rắn, lúc sền sệt hoặc là nước riêng – phân riêng, trong phân có chứa chất nhầy lợn cợn hay thực phẩm chưa được tiêu hóa hết
- Rối loạn về nuốt: khó nuốt vì không đưa thức ăn vào thực quản hoặc đã nuốt vào thực quản nhưng khó đi tiếp xuống dưới, bị mắc nghẹn ở một vị trí không thể xác định. Ngoài ra, còn có trường hợp trẻ bị đau khi nuốt hoặc đau ở phần họng
- Nôn và buồn nôn: trẻ dễ nôn ói các thức ăn đang chứa trong dạ dày. Đôi khi trẻ còn cảm thấy buồn nôn nhưng không nôn được
- Hay nôn trớ: trẻ đột nhiên xuất hiện dấu hiệu nôn trớ nhiều, kèm theo tiêu chảy, táo bón, chán ăn,… thì đây cũng là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa
- Biếng ăn: Hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động kém hiệu quả khiến cho khả năng hấp thu, tiêu hóa giảm, làm mất cảm giác ngon miệng và gây ra tình trạng biếng ăn
- Đầy bụng, khó tiêu: Rối loạn tiêu hóa ở trẻ cũng gây đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, bụng bị căng to, ợ hơi liên tục hay xì hơi nhiều, hôi miệng
- Đau bụng: Trẻ có thể bị đau bụng với mức độ nặng – nhẹ khác nhau khi bị rối loạn tiêu hóa
- Ợ: Là tình trạng đi ngược lên miệng của các chất đang chứa trong dạ dày, thực quản do rối loạn chức năng vận động của ống tiêu hóa. Ợ có nhiều trạng thái đa dạng như ợ nước chua, ợ hơi, ợ nước, ợ nước đắng hoặc ợ thức ăn
- Chảy máu tiêu hóa: Trẻ bị nôn ra máu đỏ đậm hoặc đỏ tươi, đôi lúc kèm theo thức ăn hoặc đi ngoài ra máu tươi hoặc đen.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi?
Thông thường, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần hoặc có thể hơn thế nữa. Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phần đa cha mẹ sẽ cho con sử dụng men tiêu hóa, men vi sinh và một số thuốc. Những loại thuốc này sẽ làm giảm triệu chứng thì chỉ sau vài ngày là tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm. Nhưng thực tế thì chứng rối loạn tiêu hóa lại rất dễ tái phát.
Khi trẻ đã từng mắc chứng rối loạn tiêu hóa, tức là đường ruột của trẻ đã suy yếu, thêm nữa, phần đa bố mẹ sẽ cho con ngừng sử dụng các loại thuốc sau khi triệu chứng đã thuyên giảm. Lúc này đây, hệ vi sinh đường ruột tuy đã được đưa về trạng thái ổn định hơn nhưng vẫn còn non yếu, rất dễ bị các vi khuẩn có hại phát triển và tấn công gây rối loạn tiêu hóa tái phát. Những lần trẻ bị rối loạn tiêu hóa về sau sẽ để lại các triệu chứng như: Đầy bụng, ăn không tiêu, đau bụng, đi ngoài, phân lúc táo, lỏng, nát, sống phân,… khá nghiêm trọng và khó điều trị dứt điểm.
Như vậy, rối loạn tiêu hóa có thể chỉ xảy ra trong vài ngày nhưng nếu không điều trị hợp lý và hiệu quả thì nó cũng có thể kéo dài triền miên và trở thành mạn tính kéo dài hàng tháng.
Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa
- Trẻ dưới 6 tuổi có sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa còn yếu nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… Đây chính là tác nhân gây nên các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em.
- Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể do chế độ ăn không hợp lý. Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đường và những đồ uống có ga, nước ngọt đều không tốt cho cơ thể của trẻ đặc biệt là đối với hệ tiêu hóa. Việc hấp thụ qua nhiều thực phẩm có hại đó khiến con bị rối loạn tiêu hóa.
- Rối loạn tiêu hóa xảy ra nếu trẻ phải sống ở một môi trường có chất lượng vệ sinh kém do nguồn nước ô nhiễm cho đến nguồn thực phẩm không an toàn.
- Kháng sinh có thể là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa. Khi kháng sinh đi vào cơ thể trẻ, chúng không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi, điều này gây mất cân bằng sinh thái đường ruột, dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
- Biến chứng từ các bệnh khác như viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản… có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Một khi mắc những căn bệnh này, bé sẽ hay bị tiết ra đờm chứa vi khuẩn nhưng thay vì khạc nhổ ra ngoài để loại bỏ vi khuẩn, trẻ lại nuốt và dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.
Cách điều trị khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài
Bố mẹ có thể điều trị cho bé tại nhà, kết hợp dùng thuốc được hướng dẫn và chế độ ăn phù hợp
Điều trị cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa tại nhà
Khi trẻ có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhẹ, phân không có máu, không tanh và không bị sốt thì cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp điều trị tại nhà như:
- Mẹ cho trẻ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước kết hợp với vận động để tiêu hóa tốt hơn
- Hằng ngày mẹ chia nhỏ bữa ăn cho bé để tránh tình trạng bé quá no hoặc quá đói
- Thức ăn của trẻ nên được nấu chín, mềm, dễ tiêu hóa, đặc biệt ưu tiên cho bé ăn các món hấp luộc
- Khi ăn, mẹ nên tạo tâm lý thoải mái cho trẻ, không nên ép bé ăn quá nhiều hoặc ăn loại thực phẩm mà bé không thích
- Tập trung vào bữa ăn, không cho bé chơi đồ chơi hay xem tivi, Ipad, điện thoại trong lúc ăn
- Bổ sung thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, men vi sinh đường ruột để tái tạo môi trường đường ruột khỏe mạnh cho trẻ
- Trẻ bị tiêu chảy thì cần bổ sung oresol đúng cách. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Điều trị cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa tại bệnh viện
Khi trẻ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như đi ngoài ra máu, đi ngoài nhiều kèm sốt cao, nôn mửa, có thể kèm theo co giật hoặc ngủ li bì; nôn ói nhiều lần trong 6 giờ, … thì bố mẹ nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám, điều trị. Tránh trường hợp để trẻ bị rối loạn tiêu hóa quá lâu làm tổn thương hệ tiêu hóa của bé, gây ra những hậu quả về lâu về dài như biếng ăn, chậm phát triển, hấp thụ chất dinh dưỡng kém hoặc gặp một số biến chứng nguy hiểm khác.
Tốt nhất, khi nhận thấy con bị rối loạn tiêu hóa, phụ huynh nên đưa trẻ tới thăm khám ở bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra và điều trị triệu chứng này hiệu quả.
Nơi khám và điều trị cho trẻ nên là những cơ sở uy tín, đảm bảo trình độ khám chữa bệnh, hệ thống trang thiết bị y tế, phòng khám đạt chuẩn để bảo vệ cơ thể non nớt của trẻ một cách tốt nhất.
Chăm sóc khi trẻ bị rối loạn tiêu hoá
Mẹ nên chăm sóc tốt cho con khi bị rối loạn tiêu hóa nhằm giúp trẻ giảm triệu chứng và không để lại biến chứng sau này.
Chế độ dinh dưỡng
Mẹ nên bổ sung các thực phẩm cải thiện tình trạng này vào thực đơn hằng ngày của bé như rau xanh, ngũ cốc, chuối, sữa chua, thịt gà, … Những loại thực phẩm này cung cấp vitamin, khoáng chất, các enzyme tốt cho đường tiêu hóa, acid béo, omega 3 trong ngũ cốc giúp cân bằng, củng cố hệ tiêu hóa của bé. Đồ ăn cho bé cần phải được nấu chín, nên cho trẻ ăn ngay sau khi vừa nấu xong, chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu tốt, tránh đầy bụng, khó tiêu hóa.
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Bố mẹ nên tạo cho con thói quen giữ vệ sinh tốt như rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi, tiếp xúc với đồ vật, động vật để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của trẻ, thường xuyên cọ rửa đồ chơi.
Khuyến khích trẻ tập thể dục để tăng sức đề kháng
Bố mẹ nên khuyến khích trẻ vui chơi vận động, tập các bài tập phù hợp với độ tuổi để kích thích phát triển chiều cao, tăng cường sự trao đổi chất giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, tăng cân nhanh, khỏe mạnh.
Bổ sung men vi sinh
Mẹ có thể bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột bằng cách uống men vi sinh để khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Men tiêu hóa giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện nhanh chóng triệu chứng rối loạn, giúp trẻ ăn ngon miệng, hấp thu tốt, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Lời kết:
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng tới quá trình phát triển và hấp thụ chất dinh dưỡng của trẻ. Bố mẹ cần tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị phù hợp để ngăn chặn những biến chứng trong tương lai đến với trẻ nhỏ. Một số nguyên nhân và điều trị bố mẹ cần cân nhắc thông qua bài viết trên có thể giúp ích ít nhiều đến sức khỏe của bé.