Một loại bệnh mà khiến người bệnh rất ngại ngùng chia sẻ với người khác, đặc biệt nhóm nhân viên văn phòng, trí thức. Chính vì điều này, khi bệnh nhân đến với bác sĩ thường bệnh rất nặng, cần có can thiệp ngoại khoa. Bệnh trĩ rất phổ biến và ảnh hưởng hơn một nữa dân số trước 50 tuổi. Bệnh trĩ không những gây đau đớn cho việc đi vệ sinh mà còn gây khó chịu, mất tự tin. Vậy bệnh trĩ là như thế nào? Có thể phòng chống không?
- BỆNH TRĨ LÀ GÌ?
Bệnh Trĩ, là bệnh do sự căng dãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Bệnh trĩ thường xảy ra ở người bị táo bón kinh niên, công việc ít đi lại, ở phụ nữ mang thai. Người mắc bệnh trĩ mới đầu chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn.Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Thực ra, trĩ nội và trĩ ngoại chỉ khác nhau về vị trí phát sinh búi trĩ. Với việc phân biệt hai loại trĩ này sẽ giúp ích cho quá trình thăm khám và điều trị căn bệnh này.
- Trĩ nội: Trĩ nội chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa. Với trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm trùng búi trĩ.
- Trĩ ngoại: Trĩ ngoại có thể có huyết khối phát triển rất đau. Thường sớm được phát hiện và điều trị nhanh hơn, do người bệnh có thể sờ thấy khi trĩ ở mức độ nhẹ.
- ĐIỀU TRỊ
Nếu không sớm điều trị, sẽ làm người bệnh ngày càng có cảm giác vướng víu, khó chịu, chảy máu và đau đớn nhiều hơn mỗi khi đại tiện. Bệnh trĩ ở cấp độ nhẹ có thể tự chữa trị, nếu để chuyển sang giai đoạn nặng thì việc điều trị bệnh trĩ sẽ trở nên rất khó khăn, phải có sự can thiệp của phẫu thuật.
Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh thường có các triệu chứng sau: Đau và chảy máu khi đại tiện, ngứa hậu môn, tiết dịch gây viêm da, ngứa và ướt viêm quanh hậu môn. chúng ta có những cách điều trị sau:
- Làm sạch vùng hậu môn sau khi đi vệ sinh bằng khăn giấy mềm, khăn ướt để không kích thích và tổn thương thêm vùng da vốn đã nhạy cảm.
- Tắm bằng nước ấm, ngâm phần dưới cơ thể bằng cách ngồi trên đầu gối khoảng 15 phút. Với tư thế này, vùng trĩ bị tổn thương dễ được bộc lộ và nước ấm sẽ giúp giảm đau và giảm sự ngứa ngáy của vùng trĩ. Có thể thêm muối biển vào nước tắm, muối góp phần làm teo nhẹ tế bào của vùng trĩ bị lồi ra.
- Bôi thuốc dạng kem hoặc mỡ tại vùng trĩ. Thuốc giúp lành nhanh vết thương, giảm nhẹ sưng viêm và đau. Một số thuốc chứa giảm đau, kháng viêm và chất gây tê bề mặt để làm giảm sự khó chịu.
- Chườm thêm bằng bã trà túi lọc. Trà sau khi ngâm trong nước nóng, ta lấy túi trà này chườm vào vùng trĩ. Cách này sẽ giúp bớt đau, ngứa ngáy, khó chịu. Trà chứa tanin sẽ làm tủa những protein viêm, protein dư thừa không cho vi khuẩn phát triển thêm. Quanh hậu môn luôn chứa nhiều vi khuẩn, khi bị viêm nhiễm ở đây, bệnh nhân thường hay bị bội nhiễm.
- Chế độ dinh dưỡng tăng cường chất xơ, hạn chế thức ăn tinh, xay nhiễn.
- Khi đại tiện tránh không được rặn, gắng sức. Nếu khôn đi được, hãy dùng các sản phẩm hỗ trợ bôi trơn cho khối phân ra tự nhiên
- Tăng cường vận động, hạn chế ngồi yên một chỗ cả ngày.
- Ở giai đoạn nặng hơn, búi trĩ bên trong (trĩ nội) bị sa quá mức gây nghẹt hay tắc mạch hay gây nứt, áp xe hậu môn, hoặc búi trĩ bên ngoài (trĩ ngoại) bị tổn thương nhiễm trùng gây lở loét, xuất huyết trầm trọng hay tạo thành những cục máu đông nằm trong búi trĩ, có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm và sinh ra các bệnh khác. Trĩ nặng phải được giải quyết bằng phẫu thuật. Đừng ngần ngại đi khám bác sĩ.