Ung thư niêm mạc má không phải là một căn bệnh hiếm gặp. Do thói quen ăn uống không lành mạnh, nhiều người bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ung thư niêm mạc má nhưng không biết phải làm sao. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Phòng Khám Bác Sĩ
Nội dung bài viết
Đặc điểm của ung thư niêm mạc má
Theo phân loại ung thư trên cơ thể người của Hội chống ung thư thế giới vào năm 1970 ở Houston, ung thư vùng hàm mặt bao gồm: Ung thư niêm mạc má, ung thư xương hàm, ung thư tuyến nước bọt, ung thư da. Trong đó, ung thư niêm mạc má là thường gặp nhất.
- Ung thư niêm mạc má là một tổn thương lộ ra ngoài nên dễ nhận thấy nên dễ chẩn đoán và điều trị
- Bệnh có liên quan mật thiết với các cơ quan lân cận như xoang hàm, mũi, mắt.
- Loại ung thư này thường là ung thư biểu mô
Nguyên nhân gây ung thư niêm mạc má
- Do di truyền
- Sử dụng nhiều thuốc lá và rượu bia
- Do hóa chất như sản phẩm cacbua, nấm mốc, thuốc lá hay thuốc trừ sâu
- Do nguyên nhân vật lý như tia X, phóng xạ, tia cực tím
- Có thể do Virus như Epstein Barr (EBV 1964) gây u lympho Burkitt và u vòm
- Yếu tố địa lí, tập quán và sức đề kháng của cơ thể
Dấu hiệu ung thư niêm mạc má
- Răng có dấu hiệu rung lay
- Khó cử động lưỡi hoặc hàm
- Sụt cân không kiểm soát
- Đau hoặc loét lâu không liền hoặc chảy máu
- Miệng có tổn thương dạng xơ cứng hoặc chồi bông cải
- Đau nhức mắt, lồi mắt, tắc lệ đạo, liệt hoặc lác nhãn cầu
- Đau vùng tổn thương và đau ngày càng nhiều. Ăn, nói khó khăn, chảy máu tự nhiên hoặc sau va chạm mạnh
- Ngạt tắc mũi, chảy máu mũi; môi trên dày và to, đau nhức vùng xoang. Triệu chứng này thường xuyên xảy ra ở một bên
Tuy nhiên cần lưu ý, những dấu hiệu trên đây chưa chắc là biểu hiện của ung thư niêm mạc má mà có thể là triệu chứng của bệnh khác như dị ứng nhiễm trùng. Để biết được chính xác bệnh bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.
Các giai đoạn phát triển
Giai đoạn sớm
- Thể loét: vết loét nông và mềm ở niêm mạc, hoặc ở lợi quanh răng, vết loét phát triển rộng và sâu xuống xương hàm, vết loét có đáy được phủ một lớp giả mạc chạm vào dễ chảy máu.
- Thể sùi: ung thư có dấu hiệu sùi như hoa súp lơ, dính chặt đáy, kèm theo loét hoại tử, chạm vào dễ chảy máu.
Giai đoạn muộn
Tổn thương ở niêm mạc lan ra các vùng lân cận như xương hàm, xoang hàm, hố chân bướm hàm.
Tổn thương vùng xương hàm, u lan ra phá hủy xương tạo u xương hàm, ranh giới không rõ ràng, thâm nhiễm da, há miệng khó khăn, ngách lợi phồng, sùi loét, răng lung lay, miệng có mùi hôi.
Tổn thương vùng xoang hàm, ngạt tắc mũi, đau nhức một bên vùng xoang, sập hàm ếch, mặt trước xương hàm trên phồng có thể thâm nhiễm da. Tổn thương ở xoang hàm có thể lan lên mắt và gây các triệu chứng ở mắt.
Chẩn đoán ung thư niêm mạc má
Dựa vào kết quả lâm sàng, X quang để xác định:
- Vị trí và kích thước
- Nơi bị xâm lấn.
- Tế bào ung thư loại gì.
Lâm sàng:
Ung thư niêm mạc má lan từ mào ổ răng trên xuống mào ổ răng dưới, từ mép cao xương hàm dưới. Tổn thương thường là loét, u, nhú, dễ bị nhiễm trùng và loét do sang chấn. Bệnh nhân khó há miệng. Di căn hạch ở dưới cằm, dưới hàm, mang tai và hạch cổ.
Cận lâm sàng:
Sinh thiết: Bệnh phẩm được lấy ra phải là vùng nghi ngờ bị tổn thương nhất với một ít niêm mạc lành lặn bên cạnh. Không được lấy ở vùng hoại tử hoặc đang bị nhiễm trùng vì dẫn đến sai lệch chẩn đoán.
Chọc hút bằng kim nhỏ: Thường được sử dụng để chẩn đoán di căn hạch ở bệnh nhân đã xác định u nguyên phát. Mẫu phẩm hút ra được xét nghiệm tế bào.
Scanner và MRI có giá trị lớn trong chẩn đoán ung thư niêm mạc má và các tổn thương di căn. Hiện nay PET-CT là kỹ thuật mới nhất có giá trị trong chẩn đoán và kiểm soát ung thư miệng hàm mặt. Siêu âm để phát hiện di căn của ung thư di căn vào gan.
Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả
Tùy theo tình trạng từng bệnh nhân và từng giai đoạn mà lựa chọn các phương pháp thích hợp.
Phương pháp phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, nếu được phẫu thuật sớm kết quả sống trên 5 năm hơn 50 %. Nguyên tắc là:
- Phẫu thuật rộng, cắt bỏ toàn bộ u và vùng lân cận bị xâm lấn.
- Phẫu thuật nạo vét hạch, cắt bỏ hết hạch dưới hàm.
Phương pháp tia xạ
Tia xạ có tác dụng tốt với ung thư biểu mô ít biệt hóa, hay tái phát, đối với ung thư biểu mô tia ít có tác dụng, thường chỉ áp dụng những bệnh nhân không phẫu thuật được hoặc phẫu thuật chưa triệt để. Có 3 loại tia sau: tia X, tia điện từ, tia radium.
Tia điều trị có thể gây loét da, hoặc tiêu xương, giảm hồng cầu bạch cầu. Vì vậy, điều trị tia xạ phải theo dõi sát và chọn phương pháp thực hiện thích hợp.
Phương pháp hóa trị liệu
Hóa trị liệu có nhược điểm là làm tổn thương cả tế bào lành. Làm giảm bạch cầu, viêm túi mật, rụng tóc v.v…
Hóa trị liệu được dùng trong những trường hợp như trước mổ để thu nhỏ u, không phẫu thuật được, phẫu thuật không triệt để. Có thể dùng hóa trị liệu qua 3 đường: uống, động mạch, tĩnh mạch.
Các loại thuốc thường dùng hiện nay là: Cyclophosphamide (Endoxan), Triethylamine- benzochinon (Trenion).
Điều trị miễn dịch
Đây là phương pháp làm tăng sinh sản tế bào lympho T, tăng khả năng miễn dịch cơ thể.
Phẫu thuật lạnh
Nguyên tắc của phương pháp này là dùng nhiệt độ thấp để diệt tế bào ung thư. Dùng Ni tơ lỏng –196º C.
Tiên lượng
Tiên lượng phụ thuộc vào:
- Giai đoạn sớm hay muộn.
- Loại tế bào
- Phương pháp điều trị.
- Sức đề kháng của cơ thể.
Theo thống kê, trên thế giới ung thư niêm mạc má có tỷ lệ điều trị sống trên 5 năm là 35 %.
Phòng ngừa ung thư niêm mạc má như thế nào cho hiệu quả
Chỉ cần cần thực hiện những biện pháp đơn giản như: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thăm khám nha khoa định kỳ là bạn đã có thể tránh được phần nào mắc ung thư niêm mạc má.
Lời kết
Để phát hiện sớm được bệnh bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám khi vùng tổn thương nghi ngờ có dấu hiệu ung thư niêm mạc má. Hy vọng qua bài viết trên đây của Phòng Khám Bác Sĩ bạn đã có được những kiến thức bổ ích về bệnh.