Bác sĩ không mổ, thậm chí không có mặt ở bệnh viện nhưng vẫn đứng tên trên hồ sơ phẫu thuật để… hưởng thù lao mổ
Điều đáng nói, trong số các bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP.HCM bị phát hiện sai phạm thì nguyên Giám đốc BV Trần Anh Tuấn (ông Tuấn hết nhiệm kỳ giám đốc 5 năm hồi tháng 1.2017, nhưng do bị phản ánh, đoàn kiểm tra đang làm việc nên chưa được bổ nhiệm lại) sai phạm nhiều nhất. Không trực tiếp phẫu thuật, thậm chí khi đang ở nước ngoài nhưng ông Tuấn vẫn đứng tên trong hồ sơ phẫu thuật do người khác mổ để… lãnh thù lao phẫu thuật. Việc này không chỉ sai về quy chế chuyên môn, tài chính, mà còn là vấn đề y đức, nhất là với người đứng đầu một BV chuyên khoa đầu ngành
Con số mổ “khủng”
Năm 2016, rộ lên thông tin từ BS, nhân viên của BV Mắt TP.HCM về việc có nhiều ca bệnh mà Giám đốc BV là PGS-TS Trần Anh Tuấn không mổ, thậm chí không có mặt ở BV nhưng vẫn đứng tên trên hồ sơ phẫu thuật, hưởng thù lao mổ. Thu nhập của ông Tuấn đã rất cao, là mơ ước của nhiều BS trong ngành nhưng biểu hiện lặp đi lặp lại nhiều lần sai phạm trên là rất phản cảm, gây bức xúc trong BV.
Qua đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Y tế làm rõ, báo cáo về những vấn đề liên quan đến phẫu thuật tại BV Mắt TP.HCM. Đầu tháng 3.2017, Sở Y tế lập đoàn kiểm tra, vào cuộc.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, qua kiểm tra cho thấy trong năm 2016, BV Mắt TP.HCM phẫu thuật tổng cộng hơn 84.000 bệnh nhân (ca). Trong đó có hơn 23.000 ca phẫu thuật Phaco (điều trị đục thủy tinh thể) và hơn 9.000 ca phẫu thuật Lasik (điều trị cận, viễn, loạn thị…). BV có 65 phẫu thuật viên, nhưng chỉ riêng ông Trần Anh Tuấn có hồ sơ phẫu thuật với con số “khủng” – hơn 3.600 ca (trong đó có hơn 1.700 ca Phaco và hơn 1.900 ca Lasik). Còn BS Phí Duy Tiến, Phó giám đốc BV, có hồ sơ mổ tổng cộng 1.834 ca; BS Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc BV, có hồ sơ mổ 1.570 ca. BS Tiến và BS Nga chỉ mổ duy nhất về Phaco.
Được biết, ở thời Giám đốc BV Mắt TP.HCM trước đây có quy định, mỗi BS của BV chỉ mổ Phaco hoặc Lasik. Quy định này nhằm đảm bảo tính chuyên môn sâu trong điều trị, cũng như để điều tiết thu nhập giữa các BS không quá chênh lệch nhau, không gây tâm tư trong đội ngũ.
Thế nhưng, qua kiểm tra cho thấy chỉ ông Trần Anh Tuấn mổ cả Phaco và Lasik. Ông Tuấn giải thích với cơ quan chức năng về việc mình mổ nhiều là do ông đưa bệnh nhân ở phòng mạch vào BV, do có ca bệnh yêu cầu và được gửi gắm.
Ở nước ngoài vẫn đứng tên mổ!
Qua kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ bệnh án phẫu thuật tại BV Mắt TP.HCM trong năm 2016 đã phát hiện có tình trạng trong các ngày nghỉ phép hay tham gia hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước nhưng các thành viên ban giám đốc BV vẫn đứng tên trên hồ sơ phẫu thuật. Nhiều nhất cũng là ông Trần Anh Tuấn có 21 ngày ở nước ngoài lại đứng tên mổ 38 ca (đều là Phaco), Phó giám đốc BV Phí Duy Tiến 9 ca; Phó giám đốc BV Võ Thị Chinh Nga 5 ca.
Ngoài ra, qua kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ bệnh án còn phát hiện ông Trần Anh Tuấn không trực tiếp ký hồ sơ mà nhân viên BV sử dụng mộc chữ ký của ông Tuấn đóng dấu lên hồ sơ bệnh án (phần chỉ định mổ, phần chủ tọa). Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong năm 2016, chỉ riêng tiền thù lao phẫu thuật của ông Tuấn lên đến hơn 4,3 tỉ đồng
Bên cạnh đó, phiếu tường trình phẫu thuật Lasik không có thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc ca mổ, thông tin về ca mổ ghi không đầy đủ; không có phần ghi nhận chăm sóc thực hiện thuốc cho bệnh nhân. Phiếu tường trình phẫu thuật đã được in sẵn, trong khi quy định là phẫu thuật viên viết trên từng ca bệnh do chính BS mổ. Phiếu điều trị cũng được in sẵn diễn tiến bệnh, thuốc chỉ định cho bệnh nhân, phẫu thuật viên chỉ việc… ký tên. Theo quy định, phải có phiếu kiểm tra bệnh nhân trước khi mổ, nhưng qua kiểm tra một số hồ sơ bệnh án của BV Mắt không có, thậm chí không có tờ tường trình phẫu thuật
Đoàn kiểm tra đã niêm phong, tạm giữ tất cả các hồ sơ sai phạm và mộc chữ ký, yêu cầu không được tiếp tục sử dụng mộc chữ ký này.
Cần tiếp tục thanh, kiểm tra
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc BS không mổ nhưng đứng tên trên hồ sơ phẫu thuật, trong mọi tình huống là vi phạm nghiêm trọng về quy chế chuyên môn, pháp lý và rất nguy hiểm cho bệnh nhân – vì nhiều khi BS mổ không nắm rõ tình trạng, sức khỏe bệnh nhân (do không phải bệnh nhân của mình) trước khi đưa lên bàn mổ, còn BS không có mặt, không biết gì về diễn tiến ca mổ thì ký trên hồ sơ.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc Ban giám đốc BV Mắt để xảy ra những sai phạm trên thì trách nhiệm chính thuộc về giám đốc BV. Trong thời gian chờ xử lý vi phạm của tập thể và cá nhân liên quan, Sở Y tế yêu cầu BV chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm; yêu cầu các cá nhân sai phạm kiểm điểm để xem xét hình thức kỷ luật. Với vi phạm kê khai không trung thực; hưởng thù lao phẫu thuật trong khi không mổ… sẽ xử lý theo từng quy định riêng. Đối với ông Trần Anh Tuấn, sau khi có kết quả xử lý kỷ luật, Sở Y tế sẽ có ý kiến chính thức về việc tái bổ nhiệm
Cần nhắc lại, trước đó BV Mắt TP.HCM (thời kỳ ông Trần Anh Tuấn làm giám đốc) cũng từng sai phạm khi tổ chức thu phí sai, “ăn gian” đối với hàng chục ngàn bệnh nhân với số tiền lên đến 10,8 tỉ đồng (Báo Thanh Niên đã phản ánh). UBND TP.HCM chỉ đạo BV phải trả lại số tiền này cho người bệnh, nhưng đến nay chỉ mới trả được vài chục triệu đồng.
Do vậy, nên chăng việc Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng cần vào cuộc, tiếp tục thanh tra sâu, làm rõ sai phạm; truy thu thuế thu nhập cá nhân và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm?
theo thanhnien.vn